Ngày 27/3/1954: Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt
Trong báo cáo kết luận Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cơ sở nhận định tình hình địch-ta tại mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy xác định chủ trương tác chiến của đợt tiến công thứ 2 là “Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực miền đông Điện Biên Phủ” nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, trong đó có một số đơn vị cơ động; chiếm lĩnh một bộ phận trận địa pháo binh của địch; chiếm lĩnh toàn bộ các cao điểm phía đông, biến những cao điểm đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh, đồng thời xác định đây là cuộc chiến đấu có tính chất quyết định tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Căn cứ vào chủ trương tác chiến, Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia đợt tiến công thứ 2 gồm Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, Đại đoàn công pháo 351, Trung đoàn pháo binh 367 trên các hướng tiến công theo mục tiêu được đảm nhiệm. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch yêu cầu:
- Các cấp ủy, chỉ huy phải kiên quyết, dũng mãnh, nhanh chóng không để mất một thời cơ nào, tích cực tiêu diệt địch;
- Phối hợp giữa pháo binh và bộ binh phải chặt chẽ và có kế hoạch tỉ mỉ hơn trước;
- Phải có sự chuẩn bị thiết thực về tư tưởng, về tổ chức, về cán bộ để bảo đảm chiến đấu liên tục, liên tục ngay trong từng trận, tiêu diệt địch ở một địa điểm lập tức phát triển tiêu diệt thêm sinh lực của địch.
Đợt tiến công thứ hai là cuộc chiến đấu có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích, chính vì vậy Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề ra phương châm tác chiến, xác định quyết tâm, định hướng tư tưởng cho các lực lượng tham gia chiến dịch, phát huy tinh thần chiến đấu kiên quyết, bền bỉ, hoàn thành mục tiêu đề ra. Bởi vì “Cuộc chiến đấu này thắng lợi sẽ làm cho quân địch bị tổn thất rất nặng, làm cho chúng phải kinh khủng trước tinh thần kiên quyết, dũng mãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ làm lay chuyển ý chí chống giữ của quân đội chúng ở Điện Biên Phủ”.1
Tại chiến trường Điện Biên Phủ:
Trong thời gian chuẩn bị đợt 2 chiến dịch, quân ta đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, đẩy lùi tất cả các đợt phản công của địch từ Mường Thanh ra, ta phá hủy 6 xe, 3 máy bay khu trục, hạ 2 máy bay vận tải, bắn cháy 2 chiếc trên đường băng; 450 tên địch bị chết và bị thương. Từ ngày 27/3 trở đi, sân bay Mường Thanh của địch không dùng được nữa.
Tại Ngọc Chiến (Sơn La) ta diệt thổ phỉ, bắt 307 tên, thu 531 súng các loại.
Về địch:
Trong ngày, địch liên tục cho quân ra lấp các chiến hào do bộ đội ta đào lấn bao vây cứ điểm. Ngày 27/3, địch thành lập thêm cứ điểm Opéra ở phía đông sân bay do một đại đội thuộc tiểu đoàn dù xung kích số 8 đóng giữ.
Một máy bay Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh để chở binh sĩ bị thương. Đây là lần cuối cùng máy bay Pháp hạ cánh xuống Điện Biên Phủ vì sau đó sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt. Bị hỏa lực pháo binh, cao xạ của ta khống chế, không một máy bay nào của địch dám hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Để bảo đảm tiếp tế, địch phải dựa vào biện pháp duy nhất là thả dù. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém và bấp bênh do vấp phải hỏa lực ta đánh chặn quyết liệt.
H. Nava miêu tả một chuyến bay thả dù xuống Điện Biên Phủ trong hồi ký của mình như sau: “Sau một chặng hành trình vô số khó khăn (địa hình, thời tiết, thường là trong đêm tối), phi công phải lượn một vòng chờ đợi, bay vào khu vực được hướng dẫn trước, theo một đường bay cố định, theo hướng không thay đổi, lượn vòng bắt buộc ở một độ cao nhất định, có nghĩa là bốn lần phải xuất hiện trước họng hỏa lực của phòng không đối phương... Việc các khu vực thả dù dần dần bị thu hẹp lại và lực lượng đồn trú không có khả năng thu hồi thường xuyên vật phẩm tiếp tế được thả xuống, đã làm giảm đi hiệu quả của những nỗ lực anh hùng này”.2
Bài viết “Bố trí hậu phương: phương châm, tổ chức vận chuyển ở hỏa tuyến và tại trận địa” trong cuốn “Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ” do Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1979 miêu tả: ”Để chuẩn bị cho đợt 2, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa, đào một hệ thống giao thông hào vòng quanh khu trung tâm Mường Thanh. Ngoài hệ thống giao thông hào chằng chịt, ngày càng tiến sát trung tâm chỉ huy của địch, nhằm hỗ trợ tối ưu nhất cho các chiến sĩ trên mặt trận tiến công, quân ta cũng xây dựng sơ đồ bố trí hậu phương phù hợp.
Căn cứ vào yêu cầu tác chiến, điều kiện địa hình và đường sá, các cơ sở kho tàng của tuyến hậu cần hỏa tuyến bố trí dọc theo hai ven đường vận chuyền từ cây số 52 tới cây số 62. Chỉ huy sở của hậu cần hỏa tuyển đặt tại cây số 61, còn chỉ huy sở của Tổng cục tiền phương, ở sát Bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng.
Từ khu vực hậu cần hỏa tuyến tới hậu phương các đại đoàn có 3 đường vận chuyền chính (sơ đồ 4): Đường Khâu Hu, Bản Tấu sang phía tây cho đại đoàn 308; dọc theo đường 43 vào Na Lợi cho đại đoàn 312; theo đường kéo pháo vào phía đông cho đại đoàn 316.
Để hậu cần đại đoàn có thể bố trí sát trận địa và đi sát các đơn vị dưới nhiều hơn, Tổng cục đề ra nguyên tắc: “Kéo dài tuyến Tổng cục, rút ngắn tuyến đại đoàn” để hướng vào hỏa tuyến, đi sát đơn vị.
Trong đợt đầu, cán bộ hậu cần các đơn vị chưa thấy rõ tính chất công tác hậu cần trong một trận công kiên trận địa, chưa có đầy đủ nhận thức về chỉ huy hậu cần, đồng thời do tư tưởng sợ phi pháo sợ địch đánh thọc ra các cơ sở hậu cần, nên bố trí hậu phương ở trong rừng núi xa trận địa. Trong đợt 1, khu vực hậu phương của đại đoàn thường cách các trung đoàn trên 10 cây số. Trung đoàn cách đại đội có trường hợp tới 7-8 cây số”.
Ngày xuất bản: 27/3/2024
Nội dung: Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Toản Thu
Trình bày: ANH NGỌC
Ảnh: TTXVN