Ngày 13/3/1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn
Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch đã được xác định, ngày 13/3/1954, bộ đội ta đã nổ súng tiến công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc Bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 (3è/13DBLE) phòng giữ. 17 giờ 5 phút, pháo binh ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập vào tập đoàn cứ điểm. Trận đánh mở màn Chiến dịch kết thúc lúc 23 giờ 30 phút. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn tê liệt. Hơn 300 tên địch bị tiêu diệt, khoảng 200 tên bị bắt sống. Tiểu đoàn 3 thuộc Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 bị xóa sổ hoàn toàn.
Đến giữa năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Trước nguy cơ thất bại, được sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp đã đề ra Kế hoạch Nava, tăng thêm binh lực, vật lực, hòng xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng. Phát huy thế chủ động, quân và dân ta tiến hành những đòn tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó, căng sức chống đỡ trên các chiến trường Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào,…
Giữa tháng 11/1953, phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Pháp mở cuộc hành quân Caxto, đổ 6 tiểu đoàn Âu-Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ và tăng cường lực lượng, phương tiện xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc đó. Chúng coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.
Về phía ta, xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Võ Nguyên Giáp là Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.
Chiến dịch dự định bắt đầu 25/1/1954 (kế hoạch đầu tiên là 20/1/1954), theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” nhưng do địch đã tăng cường binh lực và củng cố hệ thống phòng ngự vững chắc; đồng thời, việc đưa pháo vào trận địa và công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu bộ binh-pháo binh của ta chưa hoàn tất, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định sửa đổi kế hoạch, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt, chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, dùng cách đánh vây hãm tiến công, đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Chiều ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn.
Trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai viết trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" (NXB Quân đội nhân dân) ghi lại thời điểm lịch sử trước đêm 13/3/1954: “Đêm 12, đại đoàn 312 tiếp tục đào trận địa xuất phát xung phong. Sáng 13/3/1954, tôi đến cơ quan tác chiến sớm hơn thường lệ. Các phòng trong đường hầm đều ánh sáng đèn. trong những ô nhỏ khoét vào vách hầm, cán bộ trợ lý tác chiến đã ngồi bên máy điện thoại bắt thẳng tới từng đại đoàn pháo binh. Trên mọi mặt người lộ vẻ nghiêm trang, sẵn sàng đi vào trận đánh".
Chiến dịch dự định bắt đầu 25/1/1954 (kế hoạch đầu tiên là 20/1/1954), theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” nhưng do địch đã tăng cường binh lực và củng cố hệ thống phòng ngự vững chắc; đồng thời, việc đưa pháo vào trận địa và công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu bộ binh-pháo binh của ta chưa hoàn tất, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định sửa đổi kế hoạch, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt, chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ
Ngày 13/3/1954, Đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trong đợt 1, lực lượng ta có nhiệm vụ tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo.
Sở dĩ ta mở màn chiến dịch bằng ba trận tiến công vào các khu trung tâm đề kháng quan trọng này vì chúng ở vào thế tương đối cô lập và cách xa trung tâm Mường Thanh, nên ta có một số lợi thế trong thực hiện bao vây và triển khai lực lượng tiến công. Mặt khác, có tiêu diệt được các vị trí này thì ta mới có đường để tiến sâu vào trong trận địa trung tâm Mường Thanh và mới thực hiện được đòn phủ đầu mạnh mẽ làm chấn động tinh thần binh lính địch ở toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Lúc đầu, ta dự định đồng thời đánh cả Him Lam, Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Nhưng khi trinh sát lần cuối phát hiện địch bố trí nhiều hỏa điểm tiền duyên ở Him Lam và Độc Lập, Bộ Chỉ huy quyết định tập trung pháo ngắm bắn trực tiếp đánh Him Lam trước, rồi nhanh chóng cơ động pháo sang đánh Độc Lập sau.
Trận mở màn Him Lam
Cụm cứ điểm Him Lam (Pháp gọi là trung tâm đề kháng Béatrice) là một trong những trung tâm đề kháng ngoại vi kiên cố nhất của quân Pháp, nằm ở phía đông bắc thuộc Phân khu Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trên đường 41 từ Tuần Giáo vào, cách trung tâm Mường Thanh 2,5km. Cụm cứ điểm có 3 cứ điểm trên 5 điểm cao:
+ Cứ điểm 102 ở phía tây gồm 2 điểm cao 515 và 507, là khu phòng ngự chủ yếu có Sở Chỉ huy tiểu đoàn 3 địch;
+ Cứ điểm 101A ở đông bắc gồm 2 điểm cao 517 và 505;
+ Cứ điểm 101B ở phía đông nam là đồi trọc, thấp hơn các cứ điểm 102 và 101A.
Các cứ điểm có nhiều lô cốt và chiến hào, vòng ngoài có 4 đến 6 hàng rào dây thép gai và nhiều bãi mìn, giữa các cứ điểm có hàng rào và bãi mìn ngăn cách; trung tâm có hệ thống hoả lực bố trí chặt chẽ và được trọng pháo 105mm và 155mm của tập đoàn cứ điểm chi viện. Lực lượng địch bố trí là Tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn 13 Lê dương (3/13DBLE) có 750 quân.
Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện nhiệm vụ tiến công cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75mm (6 khẩu), 2 đại đội cối 120mm (8 khẩu), 2 đại đội cối 82mm (8 khẩu); trong quá trình chiến đấu còn được 2 đại đội lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp, Đại đoàn Công pháo 351 bắn phá hoại công sự và kiềm chế pháo binh địch, Đại đoàn 316 tổ chức nghi binh và xây dựng trận địa tiến công ở phía đông.
Theo kế hoạch chiến đấu, Đại đoàn 312 sử dụng Trung đoàn 141 là lực lượng chủ yếu, trong đó Tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công, tiến công trên hướng bắc, tiêu diệt cứ điểm 102; Tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ trợ công, tiến công trên hướng đông bắc, tiêu diệt cứ điểm 101A; 1 tiểu đoàn làm lực lượng dự bị. Trung đoàn 209 sử dụng Tiểu đoàn 130 tiến công trên hướng đông nam tiêu diệt cứ điểm 101B, Tiểu đoàn 166 làm lực lượng dự bị của đại đoàn, 1 tiểu đoàn chặn quân địch phản kích trên đường 41.
Để bảo đảm nguyên tắc “trận đầu phải thắng”, Bộ Chỉ huy Chiến dịch bố trí một lực lượng mạnh hơn quân số địch gấp 3 lần, nếu tính cả lực lượng dự bị thì gấp 5 lần. Ngoài ra, ta còn có kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích; dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử trí trong quá trình chiến đấu. Công tác kiểm tra cũng được thực hiện kịp thời, tỉ mỉ, bảo đảm đánh thắng ngay từ trận đầu để tạo đà cho các trận tiếp theo.
Đêm 11/3/1954, các đơn vị bắt đầu xây dựng trận địa xuất phát xung phong. Sang ngày 12/3/1954, địch dùng máy bay, đại bác bắn phá cửa rừng và đưa bộ binh, xe ủi ra san lấp trận địa chiến hào của ta. Đến đêm 12/3, bộ đội ta tiếp tục xây dựng lại trận địa xuất phát xung phong nhưng khoảng 12 giờ ngày 13/3, địch lại điều 1 đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh ra san lấp trận địa. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng pháo lựu 105mm bắn 20 quả vào cụm cứ điểm Him Lam, phá vỡ nhiều công sự địch và buộc lực lượng địch ra san lấp phải rút chạy về Mường Thanh, tạo điều kiện cho Đại đoàn tiến hành chiếm lĩnh trận địa.
Trên hướng thứ yếu, do có đường hào ngụy trang kín đáo, Tiểu đoàn 130 đã áp sát cứ điểm 101B lúc 16 giờ 30 phút; trên hướng chủ yếu, 2 tiểu đoàn 428 và 11 thuộc Trung đoàn 141 phải tổ chức vượt sông Nậm Rốm và tiến quân qua một khoảng trống dưới làn hoả lực địch nên bộ đội chiếm lĩnh khó khăn hơn, song vẫn đúng thời gian quy định.
Để bảo đảm nguyên tắc “trận đầu phải thắng”, Bộ Chỉ huy Chiến dịch bố trí một lực lượng mạnh hơn quân số địch gấp 3 lần, nếu tính cả lực lượng dự bị thì gấp 5 lần. Ngoài ra, ta còn có kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích; dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử trí trong quá trình chiến đấu. Công tác kiểm tra cũng được thực hiện kịp thời, tỉ mỉ, bảo đảm đánh thắng ngay từ trận đầu để tạo đà cho các trận tiếp theo.
17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Pháo chiến dịch tiếp tục bắn cấp tập vào các trận địa pháo của địch ở điểm cao 307A, 307B, chân đồi A và D của tập đoàn cứ điểm, sau đó chuyển sang bắn phá sân bay Mường Thanh và các cứ điểm 102, 101B của cụm cứ điểm Him Lam. Đòn hỏa lực phủ đầu của ta đánh trúng vị trí chỉ huy của địch ở cụm cứ điểm Him Lam, cắt đứt liên lạc và khống chế có hiệu quả sân bay Mường Thanh và các trận địa pháo địch.
Theo Erwan Bergot – Trung úy người Pháp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Khi pháo chiến dịch ta bắn cấp tập vào các mục tiêu thì “cũng là lúc mà cánh cổng địa ngục mở toang… Chỉ một loáng, toàn bộ Điện Biên Phủ đã như tan hoang dưới làn đạn pháo, nhất là các hầm chỉ huy rất dễ nhận thấy từ xa do cắm nhiều dây ăngten trên nóc. Những ụ pháo lộ thiên cũng bị nhằm bắn, các pháo thủ đứng cạnh đều bị thương vong. Trận bắn pháo mạnh tới mức làm nhiều người choáng váng. Trong những hầm hố chỉ được phủ bằng lớp đất mỏng, lính bộ binh khiếp sợ ngồi nép vào nhau”1. “Lính lê dương không còn gì để mô tả ngoài từ “hỏa ngục”. Nhưng danh từ này vẫn chưa đủ mức nói hết… những tiếng nổ trút xuống cụm cứ điểm Béatrice như thác lũ, kéo dài không ngừng, không nghỉ, chất đầy trong lỗ tai và tràn ngập mọi cảm giác. Chỉ biết ngồi im không động đậy. Bắp thịt nhão ra, cặp mắt nhắm lại, ý nghĩ trống rỗng”2.
Với sự chuẩn bị kỹ càng, trận pháo kích mở màn chiến dịch đạt hiệu quả cao. Cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo, nhiều hầm hào, công sự sụp đổ, Sở Chỉ huy địch ở Phân khu Bắc bị đánh tơi tả, Trung tá Gôsê (Jules Gaucher) cùng một số sĩ quan tham mưu của Phân khu Bắc tử trận. Phân khu Bắc và cụm cứ điểm Him Lam không còn người chỉ huy trực tiếp.
Tranh thủ thời cơ địch bị chế áp, trên hướng đông nam, Tiểu đoàn 130 được sự chi viện có hiệu quả của sơn pháo và đơn vị trợ chiến, chỉ sau 40 phút, trung đội bộc phá đã mở được cửa xuyên qua trên 100m rào kẽm gai và bãi mìn. Ta nhanh chóng xung phong vượt cửa mở đánh địch bên trong, sau 1 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt gọn Đại đội Lê dương 11, làm chủ cứ điểm 101B.
Ở cứ điểm 101A, đại đội chủ công của Tiểu đoàn 428 vừa mở xong hàng rào cuối cùng thì bị hoả lực của lô cốt tiền duyên địch bắn chặn dữ dội, xung kích không vượt được cửa mở, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót lao mình lấp lỗ châu mai, tạo cơ hội cho đơn vị xung phong diệt địch. Đến 22 giờ 30 phút, làm chủ cứ điểm.
Trên hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 11 phải vượt qua quãng trống, tiếp cận khó khăn nên mở cửa chậm. Lúc này địch bắt đầu dồn hoả lực ngăn chặn, bắn 6 nghìn đạn pháo xuống khu vực xung quanh Him Lam. Đại đội 243 mở được 7 hàng rào thì gặp 2 hoả điểm của địch bắn chéo cánh sẻ không lên được, cuộc chiến đấu trước cửa mở diễn ra quyết liệt suốt 4 giờ liền.
Đại đoàn điều Tiểu đoàn 166 (lực lượng dự bị) vào chiến đấu đồng thời lệnh cho Tiểu đoàn 428 đánh sang phối hợp với Tiểu đoàn 11 diệt cứ điểm 102. Được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 428 sau khi làm chủ cứ điểm 101A, đồng thời được pháo cấp trên chi viện, Tiểu đoàn 11 nhanh chóng vượt cửa mở, chia cắt tiêu diệt quân địch trong cứ điểm 102.
Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam. Tiểu đoàn 3/13 DBLE bị xóa sổ. Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị3. Thắng lợi của trận mở đầu đã có tác dụng khích lệ tinh thần, xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội, uy hiếp tinh thần, làm địch hoang mang, tạo thế, lực, thời cơ có lợi để tiến công mục tiêu chủ yếu.
Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam. Thắng lợi của trận mở đầu đã có tác dụng khích lệ tinh thần, xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội, uy hiếp tinh thần, làm địch hoang mang, tạo thế, lực, thời cơ có lợi để tiến công mục tiêu chủ yếu.
Cùng với nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động phối hợp ở các địa phương, các chiến trường. Ngày 13/3/1954, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường toàn quốc chiến đấu phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực hiện Lệnh động viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ngay trong ngày 13/3/1954, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đưa bộ đội lên hoạt động ở phía bắc đường số 6A, mở khu du kích phía bắc huyện Chương Mỹ, khôi phục các khu du kích Liên Nam-tây Thường Tín, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch nhằm phá kế hoạch bình định, càn quét của địch.
Trên mặt trận đường 5, tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An (nay thuộc Hải Phòng), ta đã huy động được hàng vạn dân quân du kích và bộ đội huyện lên phá hoại đường 5 và đường sắt, kết hợp đánh địa lôi lật đổ đoàn tàu địch, san bằng các tháp canh đường sắt ở Quán Ròn, Xuân Đào... Đồng thời, tổ chức chống địch càn quét phản ứng các hoạt động của ta trên đường 5 và đường sắt, khiến việc vận chuyển trên đường sắt trong ngày 13/3/1954 hoàn toàn bị tê liệt. Đến đêm 13/3/1954, bộ đội địa phương cùng du kích mở đợt tổng công kích đánh các đồn bốt, phá giao thông của địch trên tuyến đường 5, đường sắt đoạn từ Văn Lâm đến Mỹ Hào (Hưng Yên) và từ Kim Thành đến Nam Sách (Hải Dương).
Cùng với nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động phối hợp ở các địa phương, các chiến trường.
Tại Hưng Yên, Đại đội 27 tiêu diệt bốt Đình Dù. Các đại đội thuộc Tiểu đoàn 58 tập kích vị trí Hoàng Nha, diệt gọn đại đội địa phương quân; Đại đội 112 tiến công bức rút các đồn Đình Tổ, Hương Mỹ, Đông Mỹ, Đông Xuyên; Bộ đội huyện Mỹ Hào đánh sập cầu Lường, cầu Phong Cốc, chia cắt nhiều đoạn đường 5. Tiểu đoàn 664, Trung đoàn 42 tấn công vị trí Nghĩa Lộ (Yên Mỹ).
Tại các tỉnh Nam Bộ, ngày 13/3/1954, quân dân Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) đã bao vây, bức rút được 7 đồn bốt, trong đó có 4 đồn bốt khá lớn là Bình An, Tân Phước, Bến Chùa, Gia Lộc, diệt và bắt sống hơn 500 tên, thu hơn 200 súng và hàng tấn đạn. Bộ đội địa phương còn phối hợp với bộ đội tỉnh, tổ chức nhiều trận đánh địch ở Làng Dài, Lò Than, bưng Cây Dương, đồng Bà Lá... làm tan rã tiểu đoàn 15 ngụy.
Trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, NXB Quân đội nhân dân cũng ghi lại công tác hậu cần thời điểm này: “Hội đồng Cung cấp tiền phương của Chính phủ và các tổ chức hậu cần của quân đội huy động mọi phương tiện hiện đại và thô sơ có thể huy động được để vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận. Các đoàn xe hơi đã được sử dụng với năng suất cao nhất, đi không đèn trong suốt nhiều đêm, lợi dụng sương mù đế chạy ban ngày, vượt đèo cao đường khó, vượt qua cả những nơi địch ném bom chờ nổ. Hàng vạn xe đạp thồ và xe đẩy thồ sơ, hàng nghìn thuyên mảng, hàng đoàn lừa ngựa đà được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược qua đường lớn, đường nhỏ, sông sâu, suôi lũ để bảo đảm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến. (Riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã có 33.500 người phục vụ. Nhân dân đã đóng góp 27.400 tấn gạo).
Riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã có 33.500 người phục vụ. Nhân dân đã đóng góp 27.400 tấn gạo.
Nhân dân ta đã lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch. Chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp tiếp tế cho một lực lượng bộ đội lớn, tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương, trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được.
Ngày xuất bản: 13/3/2024
Nội dung: NGUYỄN NGỌC TOÁN - Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN