Ngày 4/4/1954:
Các đơn vị tạm dừng chiến đấu, củng cố trận địa
Sau các trận đánh ở các cứ điểm A1 và 105 không thành công, nhận thấy nếu tiếp tục tiến công, bộ đội ta sẽ bị thương vong nhiều mà vẫn không thu được kết quả, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm dừng tiến công. Các đơn vị tiếp tục giữ vững phần đồi đã giữ được, tạo đà cho trận đánh sau.
Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) bàn giao trận địa A1 cho Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), Trung đoàn 174 để lại một bộ phận nhỏ, củng cố công sự vững chắc, bảo vệ phần đồn đã chiếm được, chuẩn bị cho đợt tiến công sau, còn đại bộ phận rút ra ngoài, tạm ngừng chiến đấu.
Từ sau ngày 4/4, sau khi Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng chiến đấu, trên chiến trường mặt phía đông đã ngớt tiếng súng, nhưng ở phía Tây các đơn vị vẫn tiếp tục đào hào, đánh lấn, tiến vào sân bay “cắt đứt cái dạ dày tiếp tế” của địch.
Phía địch
Pháp tổ chức cuộc chiến đấu giành giật các cứ điểm Huguette (phía tây) bảo vệ đường băng sân bay: Đại đội Bailly thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 xuất phát từ Opéra đến ứng cứu bằng cách tiến quân theo mương thoát nước nhưng được nửa đường thì bị chặn lại{1}.
Đại đội Clédic thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù thuộc địa số 1 vừa nhảy xuống trong đêm trước, đánh thẳng vào đường băng, buộc một tiểu đoàn của ta bố trí ở điểm nút phải rút lui.
Tại Paris, Đại tá Brohon (người cùng đi Washington với Ely) từ Việt Nam đã về tới sân bay Orly và đi thẳng tới nhà tướng Ely. Ông báo cáo đã gặp tướng Navarre để phổ biến về kế hoạch ném bom Vautour (Chiến dịch Chim kền kền). Trong khi đó, tướng Ely đã có trong tay bức điện của Navarre cho rằng kế hoạch ném bom này có thể có hiệu quả quyết định.
Tướng Ely quyết định soạn thành văn bản để trình bày trong cuộc họp hạn chế của Hội đồng Quốc phòng. Sau đó gửi Navarre một bức điện với nội dung: “Chính phủ đã gửi Washington bản đề nghị can thiệp đã được ông hưởng ứng. Tôi bảo đảm ông được hoàn toàn ủng hộ” {2}.
Sang đợt 2 bộ đội tiến sát địch hơn nữa, hậu cầu đại đoàn, trung đoàn không nhích theo nên càng xa đơn vị. Do bố trí xa như vậy nên phải sử dụng nhiều lực lượng vận chuyển nhưng vẫn không bảo đảm được, tiếp tế và tải thương chậm, ùn người ở hỏa tuyến, ở giao thông hào, cấp trên không nắm được tình hình cấp dưới, không giúp đỡ giải quyết được khó khăn. Thêm vào đó, việc bố trí các cơ sở lại không dọc theo tuyến vận chuyển nên không kết hợp được chuyến lên với chuyến về - trích cuốn “Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ” do Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1979.
Ngày xuất bản: 4/4/2024
Nội dung: Thiếu tá, ThS Trần Quốc Dũng - Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Toản Thu
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: TTXVN