Ngày 20/3/1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên bộ đội xây dựng trận địa

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Để bảo đảm cho nhiệm vụ tiến công, tiêu hao và tránh phi pháo địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến dịch đã gửi thư động viên bộ đội “Xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch nhanh chóng, đạt tiêu chuẩn”1.

Trong thư, Đại tướng yêu cầu bộ đội không được chủ quan khinh địch, tiếp tục chiến đấu bền bỉ, vượt khó khăn gian khổ giành cho được toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Về tư tưởng, Đại tướng yêu cầu cần thấm nhuần phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chiến đấu liên tục. Vì qua đợt 1 chiến dịch, dù địch thất bại nhưng ưu thế binh hỏa lực vẫn còn mạnh, số lượng địch vẫn đông, địch còn mạnh về tiếp tế bằng đường không và vẫn còn khả năng tiếp viện, pháo binh địch còn mạnh. Trong khi đó về phía ta, pháo binh và pháo cao xạ mới chỉ hạn chế được pháo binh và không quân địch một phần. Khi có trận địa bao vây trên một phạm vi rộng, chiều sâu dài thì càng dễ dàng cho bộ đội tiếp cận địch và hạn chế hiệu lực không quân của chúng.

Đại tướng yêu cầu bộ đội phải nắm chắc về quy định xây dựng công sự trận địa nhanh chóng chính xác và đúng tiêu chuẩn. Khi tiến hành xây dựng công sự trận địa đúng tiêu chuẩn và chính xác, chúng ta hạn chế được máy bay và phi pháo địch, từ các giao thông hào, bộ đội có thể di chuyển an toàn và sử dụng bức kích pháo tiến công lại trọng pháo địch. Hiệu lực của bức kích pháo, nếu phát huy được hỏa lực, thì cũng gần bằng hiệu lực của trọng pháo. Sử dụng tất cả các cỡ pháo của ta từ 82mm trở lên, lấy đạn chiến lợi phẩm của địch mà đánh địch.

Đại tướng cũng đề ra phương án tổ chức những tổ lưu động đánh xe tăng, tập trung hỏa lực để bắn từng chiếc xe tăng địch. Khi đánh xe tăng địch, phải dùng những giao thông hào có hố phòng pháo và hầm trú ẩn làm về phía địch. Như vậy sẽ giảm thương vong trước hỏa lực của xe tăng địch.

Cùng với đó bộ binh, cũng phải có những đơn vị nhỏ đánh địch phản kích, đánh địch nhảy dù xuống, đoạt dù tiếp tế của địch… Khi bộ đội làm trận địa cho đúng tiêu chuẩn thì sẽ giảm bớt thương vong.

Sau khi trận địa đã hoàn thiện, Đại tướng cũng đề ra phương pháp chiến đấu hiệu quả hơn như, bộ đội phòng không bố trí gần, uy hiếp dần không phận của địch trong phạm vi gần khu tung thâm, bắt buộc máy bay chúng phải bay cao, có thả dù tiếp tế hay thả viện binh cũng khó hoặc sẽ rơi vào trận địa của ta.

Ngoài ra, sau khi đào xong giao thông hào, bộ đội phải tiến hành các phương án ngụy trang, địch không biết ở nơi nào thì có quân ta, ở nơi nào thì không có, lại phải đào rãnh hoặc hố để thu hút nước mưa và làm cho nước thoát khỏi giao thông hào. Cuối cùng khi những giao thông hào chiến đấu và giao thông hào trục của ta đều làm đúng tiêu chuẩn và đã tiếp cận khu tung thâm của địch trong tầm hỏa lực bức kích pháo của ta, lúc đó ta đã hình thành trận địa bao vây địch.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây bằng giao thông hào đã trở thành một công trình lao động và chiến đấu to lớn của quân ta. Thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng, lao động cần cù, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ của quân đội cách mạng. Thành công của trận địa tiến công và bao vây bằng giao thông hào là nghệ thuật quân sự đặc sắc, giải quyết được vấn đề bộ đội tiếp cận quân địch trên địa hình bằng phẳng, vận chuyển lực lượng, giữ vững trận địa, tiến hành chiến đấu liên tục, làm cho địch trở tay không kịp, cùng với đó trận địa tiến công giao thông hào hạn chế đến mức cao tác dụng của pháo binh và không quân địch.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây bằng giao thông hào đã trở thành một công trình lao động và chiến đấu to lớn của quân ta. Thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng, lao động cần cù, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ của quân đội cách mạng.

Sau khi Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi thư cho các đơn vị bộ đội yêu cầu xây dựng trận địa tiến công, bao vây địch đạt tiêu chuẩn và chính xác, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ra Chỉ thị gửi các đại đoàn bổ sung về xây dựng trận địa, về chiến thuật2.

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Về phía địch:

- Tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân Pháp tiếp tục thả thêm quân dù tăng cường cho Điện Biên Phủ, 5 chiếc Dakota đã hạ cánh và cất cánh ở sân bay Mường Thanh.

- Tại Mỹ, Tướng Paul Ely - Tham mưu trưởng quân đội Pháp tới Washington gặp Tổng thống Eisenhower để cầu cứu sự giúp đỡ của Mỹ. Phía Pháp muốn có một cuộc ném bom ồ ạt xuống chung quanh Điện Biên Phủ. Mỹ lo ngại cho số phận của Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Tướng Ely tỏ ra lạc quan về việc Điện Biên Phủ sẽ cố thủ được nếu các yêu cầu tăng viện nhanh chóng được chuyển tới để có thể đánh mạnh vào đối phương.

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. (Ảnh: TTXVN)

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. (Ảnh: TTXVN)

Ghi lại ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", NXB Quân đội nhân dân (2000), tác giả Hữu Mai viết: Thời gian dành cho việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công trong đợt 2 là 10 ngày. Chúng ta thấy cần có hai loại đường hào: đường hảo trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn; đường hào tiếp cận dịch của bộ binh. Đường hào trục sẽ chay một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta tiêu diệt. Các loại đường hào đềi có chiều sâu là 1,7m, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, và giữ bí mật cho bộ đội di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục rộng 1,2m...

Việc xây dựng trận địa phải tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận để phân tán sự chống phá của địch. Phải có một thời gian biểu hoàn toàn mới cho bộ đội. Buổi sáng, là giờ ngủ. Khoảng cách sau bữa cơm trưa với bữa cơm chiều là thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng trận địa, lên rừng đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng. Suốt đêm là thời gian đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Ngày xuất bản: 20/3/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN THỊ THẢO - Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN