Ngày 13/4/1954:
Bộ Tổng Tham mưu ra các chỉ thị
xây dựng công sự phòng ngự, đánh lấn và huấn luyện tân binh
Hai nhánh chiến hào của quân ta như hai gọng kìm kẹp chặt Cứ điểm 105. Tại Cứ điểm 106, chiến hào của ta đã xuyên qua lớp rào kẽm gai tới 15 mét, gần sát lô cốt địch. Trong ngày, Pháp thả 240 tấn hàng (trong đó có 50 tấn lương thực) xuống Điện Biên Phủ.
Tại những điểm cao phía đông - khu vực có tác dụng chiến thuật quan trọng, địch chiếm lĩnh để làm chỗ dựa lưng cho khu Mường Thanh, án ngữ quân ta ở mặt đông, bảo vệ sân bay cho khu vực tung thâm của địch tại Mường Thanh và sân bay. Qua 2 đợt chiến đấu, quân ta đã chiếm lĩnh đại bộ phận các cao điểm ở mặt đông - trọng điểm phòng ngự của địch bị vỡ, vòng vây thắt chặt, Mường Thanh và sân bay bị uy hiếp, việc tiếp tế và tăng viện của địch bằng không quân gặp khó khăn lớn.
Ý định tiếp theo của địch là tìm mọi cách chiếm lại C1 và dần dần chiếm các điểm cao phía đông bắc, mong khôi phục lại trận địa phòng ngự. Nhiệm vụ của ta lúc này là kiên quyết giữ những điểm cao đã chiếm được, không để cho địch phản kích chiếm lại, để giữ thế bao vây, uy hiếp địch, đồng thời là bàn đạp tiến công tiêu diệt địch.
Để làm tốt điều này, ngày 13/4/1954, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị về mấy vấn đề xây dựng trận địa phòng ngự trên các cứ điểm mới chiếm lĩnh.
Chỉ thị đã đề cập đến những thiếu sót về kiến trúc công sự phòng ngự của ta. Đó là: Vấn đề phòng ngự, Bộ đã đề ra nhưng các đơn vị chưa tích cực làm hoặc làm còn lúng túng trong việc cải tạo lại công sự, bố trí binh lực, hỏa lực. Có trận địa công sự cũ của địch không chịu được pháo, nhưng ta cũng không tích cực sửa chữa theo đúng tiêu chuẩn để pháo bắn sập. Có trận địa không có tung thâm, chỉ bố trí một tuyến mỏng nên dễ bị chọc thủng (điển hình như ở C1, Bắc Hồng Cúm). Nhiều nơi chưa có hầm trú quân vững chắc, chưa chú trọng nghiên cứu phá hoại công sự địch và bố trí những phòng ngự phụ (dây thép gai, mìn) nên dễ bị địch đột phá. Do đó, phải nghiên cứu kỹ vị trí địch, địa hình, địa vật để ấn định các trận địa cảnh giới, tiền duyên và tung thâm, trận địa hỏa lực chi viện của tiểu đoàn, trung đoàn ở phía sau.
Trước tình hình cứ điểm địch bố trí phức tạp, dày đặc, bên trong thì lại chia thành khu vực, mỗi khu vực một phần nào đó có thể chiến đấu độc lập; trong tung thâm, các cứ điểm sát nhau thành nhiều tầng, lớp ngang dọc, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị vấn đề dùng bộ đội nhỏ “đánh lấn” trong công kiên có tính chất trận địa. Bởi, ta dùng bộ đội nhỏ đánh lấn kết hợp với lối đánh công kiên thường là để tranh thủ sát thương thêm nhiều sinh lực địch, phá hủy dần công sự của chúng, tạo điều kiện tốt để tấn công tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, quá trình đánh lấn dự kiến sẽ phát sinh nhiều tình huống khó khăn, gian khổ, hy sinh nên Chỉ thị đã chỉ rõ một số điểm cần chú ý khi áp dụng phương châm, chiến thuật đánh lấn. Đó là:
Thứ nhất, phải làm cho bộ đội hiểu rõ về đánh lấn, ta không dùng nhiều binh lực, hỏa lực mà vẫn có thể đánh chắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chiến đấu được liên tục, rút ngắn thời gian chung của toàn bộ cuộc chiến đấu.
Thứ hai, phải giải quyết tư tưởng sợ bị cô lập, ngại đánh phản kích. Ta tổ chức đánh nhiều hướng, nhiều mũi, mũi nọ dựa vào mũi kia, hướng nào, mũi nào cũng có sự tổ chức chặt chẽ ở đằng sau để yểm hộ. Nếu địch phản kích thì đó là cơ hội để ta tổ chức tiêu diệt địch
Thứ ba, người chỉ huy không được “khoán trắng” cho cấp dưới, phải liên tục điều tra địch kỹ, giúp đỡ bộ đội đánh lấn tổ chức chiến đấu thật chu đáo, phải cơ động linh hoạt không để lỡ cơ hội tiêu diệt địch.
Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 98-CT/B1 về việc huấn luyện cấp tốc tân binh mới bổ sung.
Theo chủ trương chấn chỉnh lực lượng của Tổng Quân ủy, các đơn vị đều được bổ sung thêm một số tân binh. Để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, chúng ta phải tranh thủ từng giờ, từng phút huấn luyện cho tân binh những phần cần thiết. Từ những tân binh mới bổ sung ở hỏa tuyến cũng như ở trung tuyến và kể cả những cựu binh vừa ở cơ quan ra bổ sung cho đơn vị đều phải tiến hành huấn luyện theo lối huấn luyện bảo đảm từng người.
Nội dung huấn luyện nhằm 4 kỹ thuật: bắn súng, ném lựu đạn, đào công sự và đánh bộc phá.
Về phương pháp huấn luyện: Từng cựu binh huấn luyện cho từng tân binh; cán bộ từ trung đội trưởng trở xuống huấn luyện từ 1-2 người. Khi huấn luyện thì miệng nói tay làm, cắt nghĩa yếu lĩnh, nói xong hỏi lại, làm rồi cho tân binh làm theo. Kịp thời tổ chức nói chuyện và kiểm tra tân binh tình hình huấn luyện. Huấn luyện này để bảo đảm cho tân binh khi chiến đấu giết giặc không phải chịu những thương vong vô ích vì bỡ ngỡ, vì kỹ thuật non kém.
Nội dung: ThS Nguyễn Ngọc Toán – Viện Lịch sử quân sự, Ngọc Bách
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân