Ngày 14/3/1954:

Quang cảnh chung khu đồi Độc Lập, lá cờ Quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Hồ Chủ Tịch đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Quang cảnh chung khu đồi Độc Lập, lá cờ Quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Hồ Chủ Tịch đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 14/3/1954, ta cho phép quân địch ra nhận thương binh. Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ Tiểu đoàn dù ngụy số 5 và 4 khẩu pháo 105mm. Ta mở tiếp cuộc tiến công vào trung tâm để kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm được coi là có tổ chức phòng ngự tốt nhất ở Điện Biên Phủ do Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 7 (5/7 RTA) và một đại đội lính ngụy Thái đóng giữ.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ:

Trận mở màn Him Lam kết thúc thắng lợi, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đề nghị “nên có một cử chỉ nhân đạo”, cho phép quân địch ở Mường Thanh được ra lấy xác và thương binh của chúng.

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch

Sau khi nghe báo cáo, Chỉ huy trưởng Chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý với đề nghị này.

Việc làm nhân đạo này của quân đội ta đã tác động lớn đến tinh thần binh lính địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sáng 14/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch thông báo cho phép quân Pháp ở Mường Thanh ra nhận tử sĩ, thương binh tại một số điểm do ta quy định.

Để mất Him Lam - trung tâm phòng ngự rất kiên cố, do Tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE chốt giữ - một cách chóng vánh, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ bàng hoàng, nhiều lần gửi điện thúc giục Đờ Cát tung quân phản kích. Nhưng thực dân Pháp cũng không thể làm được gì, bởi khu vực sân bay Mường Thanh bị pháo kích ta khống chế chặt chẽ.

7 giờ ngày 14/3/1954, pháo cao xạ ta hạ chiếc máy bay đầu tiên.

Nhằm lấy lại tinh thần cho quân đồn trú và thay thế cho Tiểu đoàn lê dương vừa bị tiêu diệt, chiều 14/3/1954, Cônhi (René Cogny) liều lĩnh cho máy bay vượt qua lưới lửa phòng không của ta, thả Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è BPVN) xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ.

Nhận định khả năng, ta sẽ đánh đồi Độc Lập, Đờ Cát và Ban Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra Chỉ thị đặc biệt cho Méccơmen (Mecquenem) – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Angiêri và Thiếu tá Các (Kah) cùng tìm cách ứng phó. Hai viên chỉ huy tiểu đoàn này đã thị sát lại tất cả các vị trí ở Trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và hiệp đồng kỹ lưỡng với các trận địa pháo 105mm, 155mm ở Mường Thanh, chuẩn bị sẵn phần tử bắn vào chỗ eo của thung lũng ở phía bắc và những đường hào tiếp cận mà lực lượng ta đã đào đến chân đồi. Đạn dược được dự trữ đủ trong 4 ngày. Không quân Pháp hứa sẽ cho máy bay C47 thả đèn dù suốt đêm.

Pirốt (Piroth) - Chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ hứa pháo binh sẽ chi viện hiệu quả bất cứ lúc nào.

Dù được tăng cường, củng cố lực lượng nhưng quân Pháp tại cứ điểm đồi Độc Lập cũng không thể kháng cự trước sự tiến công mãnh liệt của Việt Minh.

Đêm 14/3/1954, ta mở tiếp cuộc tiến công vào trung tâm để kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm được coi là có tổ chức phòng ngự tốt nhất ở Điện Biên Phủ do Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 7 (5/7 RTA) và một đại đội lính ngụy Thái đóng giữ. Cụm cứ điểm này có chiều dài 500m, rộng 200m, cách trung tâm Mường Thanh 4km - về phía bắc.

Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) do Trung đoàn trưởng Lê Thùy chỉ huy và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) do Trung đoàn trưởng Nam Hà chỉ huy.

Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ chỉ huy chung.

Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi chủ yếu, đột phá từ hướng đông nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm.

Trung đoàn 88 phụ trách mũi thứ yếu, đột phá từ hướng đông bắc, đồng thời mở một mũi vu hồi từ hướng tây và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra.

Cùng lúc, một phân đội bộ binh và một đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 255 Trung đoàn 174, tiến hành nghi binh tại A1.

Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập sẽ bắt đầu vào lúc 16 giờ 45 ngày 14/3/1954. Đúng giờ G, bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1 và xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105mm của địch từ Hồng Cúm và cối 120mm ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của Tiểu đoàn 255.

Nhưng ở đồi Độc Lập, do trời mưa, sơn pháo 75mm và cối 120mm điều từ Him Lam sang, không tới kịp trước giờ nổ súng nên cuộc tiến công chưa bắt đầu. Bộ phận nghi binh được lệnh rút ra.

Đến 18 giờ, Chỉ huy trưởng trận đánh Vương Thừa Vũ trao đổi với Đại đoàn phó Đàm Quang Trung, quyết định cho pháo binh bắt đầu bắn vào các cứ điểm địch, phá hoại công sự và uy hiếp tinh thần binh lính.

Trong khi pháo bắn, bộ binh tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, chờ sơn pháo 75 và cối 120 tới. Những loạt lựu pháo bắn khá tốt, làm sập nhiều hầm ở khu vực chứa vũ khí nặng.

Sau mỗi đợt oanh kích của pháo binh ta, địch cho pháo từ Mường Thanh bắn chặn các đường hào xuất kích và động viên binh lính trong đồn sẵn sàng đối phó với những đợt xung phong.

Ngày 14/3/1954, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, số 131 đã đăng “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thư của Bác đã có tác động mạnh mẽ, động viên kịp thời tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ để họ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nội dung: ThS Nguyễn Ngọc Toán – Viện Lịch sử quân sự, Mai Thu Ngọc
Ảnh: TTXVN
Trình bày: MINH ĐỨC