Ngày 19/3/1954:

Đờ Cát-xtơ-ri thông báo việc mất Điện Biên Phủ là khó tránh khỏi

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 19/3/1954, Đờ Cát-xtơ-ri điện cho Cônhi: Việc mất Điện Biên Phủ là điều khó tránh khỏi trong thời gian ngắn và tính chuyện rút sang Lào.

Dự trữ đạn 105mm và lương thực của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ bắt đầu cạn dần. Đờ Cát-xtơ-ri điện cho Cônhi thông báo rằng việc mất Điện Biên Phủ là điều khó tránh khỏi trong thời gian ngắn và tính chuyện rút sang Lào.

Trong khi đó, hai máy bay Dakota tiếp tế cho Pháp tại Điện Biên Phủ hạ cánh xuống đường băng sân bay thì một chiếc bị trúng pháo kích của ta, chỉ một chiếc may mắn thoát nạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Báo cáo đến Bác, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Nội dung bản báo cáo như sau:

“Tiền tuyến ngày 19 tháng 3 năm 1954

Kính gửi:
Bác, đồng chí Trường Chinh, các đồng chí trong Bộ Chính trị

Hôm nay, sau khi đã họp hội nghị cán bộ trong hai ngày 16 và 17 để sơ kết kinh nghiệm, tiếp tục giáo dục và động viên về nhiệm vụ sắp tới, tôi cử cán bộ mang bản kết luận của tôi ở hội nghị về trình Trung ương, đồng thời báo cáo những nét chính về các cuộc chiến đấu đầu tiên với đồng chí Thanh, đồng chí Dũng, để hai đồng chí đó báo cáo lại Trung ương.

Vì cán bộ đắc lực hiện bận cả nên đồng chí cán bộ mang thư về cũng chỉ nói lại đến một chừng nào thôi.

Tôi viết thêm mấy điểm sau đây:

1. Đợt chiến đấu đầu tiên của quân ta, chúng tôi nhận định là thuận lợi. Địch thất bại rất nặng, mất cả binh lực và phạm vi kiểm soát ở phân khu miền Bắc, trường bay bị khống chế đến nay thì gần hoàn toàn, thương vong nhiều, thiệt hại về không quân nặng, đối phó cho đến hôm nay vẫn thường.

Về phía ta thì sau 2, 3 ngày bổ sung chấn chỉnh, lực lượng gần như nguyên vẹn, lại thêm kinh nghiệm, thêm dày dặn, thêm phấn khởi, tin tưởng vào phương châm, lại thêm một số vũ khí và đạn dược lấy được của địch. Tuy vậy, qua một thời gian làm trận địa có đến trên 100 cây số, các đơn vị chiến đấu làm xong nhiệm vụ lại phải thu dọn chiến trường vì dân công thiếu, việc cấp dưỡng lại kém, nên sức khỏe bị sút, mỏi mệt. Mấy hôm nay, khí trời ở đây lại khi nóng, khi lạnh bất thường, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội. Sức khỏe sút kém đến trình độ nào, hiện chúng tôi chưa nắm được, đang cho kiểm tra.

2. Bước qua đợt 2 của giai đoạn thứ 2 là đợt xây dựng trận địa tiếp cận, đẩy đến 2 hay hơn 2 cây số, hình thành thế bao vây tứ phía để đạt đến mục đích:

Một là làm cho địch không tăng viện được.

Hai là làm cho địch không thả dù tiếp tế được.

Ba là làm cho không quân và pháo binh địch khó hoạt động.

Bốn là làm cho tất cả các súng cối từ 81, 82mm trở lên của ta có thể uy hiếp tung thâm của địch, uy lực không kém trọng pháo.

Xây dựng trận địa như vậy thì không những anh em phải dùng một sức lao động rất lớn, mà lại phải trải qua một quá trình chiến đấu với hoạt động phản kích của địch để giữ vững trận địa. Ngày nào tiếp tục công kích địch, hiện chưa định. Có thể khi việc xây dựng trận địa hoàn thành mới bắt đầu công kích trở lại. Đây là một đợt chiến đấu mới cho nên phải trải qua một thời gian chuẩn bị tương đối lâu và đầy đủ để tạo điều kiện cho những cuộc chiến đấu sắp tới được chắc thắng và gọn ghẽ.

Bắt đầu từ hai hôm nay, phản ứng của địch về không quân mạnh hơn trước. Mặc dầu bề ngoài thì chúng che giấu thất bại, nhưng chúng hết sức lo ngại cho số phận Điện Biên Phủ. Chiến dịch này lại có quan hệ nhiều đến cả thời cục ở Đông Dương và cuộc đấu tranh ngoại giao sắp tới. Vì vậy, chúng tôi đều nhận định địch sẽ trút tất cả khả năng của chúng, đế quốc Mỹ sẽ ra sức giúp đỡ tích cực, nên thời kỳ chiến đấu sắp tới sẽ rất gay go, ác liệt.

Để chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội, chúng tôi đã đề ra kịch liệt chống tư tưởng chủ quan, tự mãn và chủ quan khinh địch, đem gương Thượng Cam Lĩnh ra giáo dục tinh thần chiến đấu bền bỉ trong những giờ phút gay go, quyết liệt. Tuy vậy, bộ đội ta chưa được rèn luyện lâu năm, lại có những đơn vị mới như trọng pháo và cao xạ pháo, cho nên hiện tượng dao động rồi đây sẽ có thể xảy ra.

3. Về tiền đồ của chiến dịch, mặc dầu đợt đầu thuận lợi như vậy, nhưng một cơ sở vững chắc để đi đến giải quyết toàn bộ quân địch trong một thời gian không lâu thì hiện vẫn chưa đầy đủ. Vì vậy, hiện nay vẫn có hai khả năng:

Một là có thể giải quyết toàn bộ quân địch trong tháng 4. Nếu quân ta xây dựng trận địa được vững chắc, những cuộc chiến đấu sắp tới được gọn ghẽ, nếu sự đối phó của địch cũng chỉ mạnh đến một chừng nào, thì khả năng này sẽ thành thực tế.

Hai là chiến dịch đến cuối tháng 4 chưa kết thúc.
Trong trường hợp này, cần phải kéo dài đến mùa hè, lúc đó vẫn có khả năng giải quyết được toàn bộ. Nếu chúng ta nắm vững phương châm "đánh chắc tiến chắc" thì trong hai trường hợp sự khó khăn của ta có khác nhau về trình độ, nhưng nói chung thì vẫn có lợi.

4. Theo tình hình trên, vấn đề động viên nhân, vật lực hậu phương cần phải làm thật ráo riết, tung nhiều cán bộ để đôn đốc kiểm tra khẩn trương luôn luôn, thì mới đạt được mục đích duy trì sự cấp dưỡng cho bộ đội theo một trình độ tối thiểu. Khó khăn hiện nay về cung cấp như thế nào, anh Dũng và anh Dực sẽ báo cáo Trung ương rõ. Tôi thấy cần đề nghị với Trung ương nắm thật vững việc phục vụ tiền tuyến. Có như vậy, sức khoẻ của bộ độ ta mới dẻo dai được và bảo đảm được chiến đấu liên tục.

5. Vì cuộc chiến đấu ở đây sẽ gay go, quyết liệt, cho nên sự phối hợp chiến trường toàn quốc rất quan trọng. Vì vậy, ngoài những diện động viên và đôn đốc của đồng chí Thanh, đồng chí Dũng, mong Trung ương có chỉ thị trực tiếp cho các cấp ủy.

6. Được biết tin đồng chí Trường Chinh mệt, chúng tôi rất lo. Vậy mong Trung ương có sự phân công cho một đồng chí nào trong Bộ Chính trị nắm việc chỉ đạo tác chiến và việc phục vụ tiền tuyến. Nếu đồng chí Trường Chinh khỏe thì đề nghị đồng chí Trường Chinh để một phần thì giờ đầy đủ vào việc này.

Về tài liệu quân sự ở nhà đã chuẩn bị, chúng tôi đợi gửi lên thì sẽ nghiên cứu để góp thêm ý kiến.

Đồng chí Trường Chinh nhắc đồng chí Hoàng Tùng cho biết những nét chính về tình hình và kinh nghiệm phát động quần chúng và cải cách ruộng đất.

Mấy hôm nay, tôi không được khỏe lắm vì hôm nọ bị cảm, rồi lại tiếp đến mấy cuộc chiến đấu khẩn trương.

Chúc Bác, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí khỏe.

Thân kính
GIÁP”

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh chung khu đồi Độc Lập, lá cờ quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh chung khu đồi Độc Lập, lá cờ quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. (Ảnh: TTXVN)

Ngày xuất bản: 19/3/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN - Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN

56 ngày đêm của Chiến dịch

ĐIỆN BIÊN PHỦ

13/3

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn

14/3

Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ, ta tiến công cứ điểm Đồi Độc Lập

15/3

Ta chiếm lĩnh cụm cứ điểm Độc Lập

16/3

Pháp nhận ra những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”

17/3

Bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo

18/3

Tiến hành xây dựng trận địa tiến công, đào chiến hào chuẩn bị cho Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

19/3

Đờ Cát-xtơ-ri thông báo việc mất Điện Biên Phủ là khó tránh khỏi

20/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên bộ đội xây dựng trận địa

21/3

Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công

22/3

Mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và máu của chiến sĩ Điện Biên

23/3

Quân và dân đồng bằng bắc bộ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

24/3

Các sĩ quan chỉ huy không quân Pháp hoang mang tột độ

25/3

Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai

26/3

Đẩy lùi được các cuộc tiến công bịt hào của địch

27/3

Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt

28/3

Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi các Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351

29/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể chiến sĩ chuẩn bị bước vào chiến đấu đợt 2

30/3

Đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu

31/3

Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày

01/4

Bộ đội ta giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1, tiêu diệt cứ điểm 106

02/4

Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1

03/4

Ta bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1, sử dụng lực lượng tiến công cứ điểm 105

04/04

Các đơn vị tạm dừng chiến đấu, củng cố trận địa

05/04

De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ

06/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập cán bộ dự hội nghị sơ kết đợt 2

07/04

Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp Navarre để bàn cụ thể kế hoạch ném bom xuống Điện Biên Phủ

08/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2; Pháp đề xuất gây mưa nhân tạo để chặn đường tiếp tế hậu cần của ta

09/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

10/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

11/04

Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa

12/04

Máy bay Pháp bị bắn rơi đã “cung cấp” thêm thuốc nổ để bộ đội ta đặt trong hầm A1

13/04

Bộ Tổng Tham mưu ra các chỉ thị xây dựng công sự phòng ngự, đánh lấn và huấn luyện tân binh

14/04

Chiến hào của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm

15/04

Trung đoàn 141 chạm trán với lực lượng Pháp đi giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6)

16/04

Trung đoàn 141 chạm trán với lực lượng Pháp đi giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6)

17/04

Quân ta chuẩn bị kỹ trước khi tiến công cứ điểm 105 và 206 (Huguette 6, 1)

18/04

Quân ta chuẩn bị kỹ trước khi tiến công cứ điểm 105 và 206 (Huguette 6, 1)

19/04

Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Trung ương Đảng

20/04

Quân ta tiếp tục bao vây chia cắt sân bay địch

21/04

Cách đánh sáng tạo của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308

22/04

Quân ta tiêu diệt cứ điểm 206 (Huguette 1)

23/04

Đánh địch rút chạy về Mường Thanh

24/04

Địch mở đợt phản kích hòng chiếm lại cứ điểm 206 và khu vực sân bay

25/04

Quân Pháp ném bom vào trại tập trung Noong Nhai giết hại 444 người dân

26/04

Không quân Pháp bắn phá trận địa và đường giao thông của ta

27/04

Không quân Pháp bắn phá trận địa và đường giao thông của ta

28/04

Không quân Pháp bắn phá trận địa và đường giao thông của ta

29/04

Quân ta sẵn sàng bươc vào đợt tiến công thứ 3

30/04

Bộ Chỉ huy Mặt trận thông báo đến các đơn vị ngày nổ súng của đợt tiến công thứ 3 là ngày 1/5/1954

01/05

Đợt tiến công thứ ba của chiến dịch bắt đầu

02/05

Quân ta khép chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

03/05

Quân Pháp đẩy mạnh tăng viện cứu nguy cho Điện Biên Phủ

04/05

Nhiệm vụ chuẩn bị điểm hỏa ở đồi A1 đã hoàn thành

05/05

Quân pháp chi viện nhỏ giọt cho Điện Biên Phủ

06/05

Quân ta làm chủ các cứ điểm A1, C2

07/05

Quân ta làm chủ các cứ điểm A1, C2